Vận đen của những cầu thủ 'quay xe', từ chối đội này để đến đội khác ở V.League
Câu chuyện tiền vệ Nguyễn Hải Huy có thể phải đền bù 5 tỷ đồng cho CLB TPHCM để đầu quân cho Hải Phòng không phải lần đầu một cầu thủ V.League muốn 'quay xe'. Trước anh, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến không ít tương tự, và ngay cả những người 'quay xe' như ý muốn cũng phải chịu không ít lời đàm tiếu.
Không thể lên tuyển vì "láo" với bầu Đức
"Nếu Tăng Tuấn còn ở Hoàng Anh Gia Lai thì tôi sẽ trả lót tay 3 tỷ. Nhưng Bình Dương trả Tăng Tuấn 8 tỷ. Thế là Tăng Tuấn về Bình Dương. Cầu thủ bóng đá bây giờ càng ngày càng mất dạy". Đó là nhận xét của ông Đoàn Nguyên Đức về Nguyễn Tăng Tuấn, cầu thủ từng khoác áo HAGL nhưng chuyển đến đầu quân cho Bình Dương trước thềm V.League 2012.
Câu nói cay nghiệt của bầu Đức tại Hội nghị các ông bầu bóng đá diễn ra hồi tháng 9/2011 ấy không thể ngăn Tăng Tuấn đầu quân cho Bình Dương. Bù lại, nó khiến cầu thủ này lỡ duyên với đội tuyển quốc gia dù liên tục thể hiện xuất sắc tại đội bóng đất Thủ. Cho đến ngày trở về khoác áo đội bóng quê hương Thanh Hóa, Tăng Tuấn vẫn đau đáu vì không có cơ hội lên tuyển.
Rút lui sau buổi nhậu cùng bầu Đệ
Dưới thời ông bầu Nguyễn Văn Đệ, CLB Thanh Hóa luôn nổi tiếng là mảnh đất dữ với bất kỳ cầu thủ hay HLV nào đến đây làm việc. Cựu tiền vệ Quốc Vượng hay cố HLV Lê Thụy Hải là những người từng phải bỏ tiền ra đền bù hợp đồng cho bầu Đệ khi đôi bên đường ai nấy đi. Nhân vật hiếm hoi có thể "quay xe" an toàn chính là hậu vệ Huỳnh Quang Thanh, bởi anh đã tỉnh táo rút lui trước khi ký vào hợp đồng giấy trắng mực đen.
Ngày mãn hạn hợp đồng với Bình Dương, Quang Thanh nhận cuộc gọi từ bầu Đệ. Anh sốt sắng đến mức đặt vé máy bay ra Thanh Hóa để ngồi nói chuyện và uống bia cùng ông bầu xứ Thanh. Lời đề nghị bầu Đệ dành cho Quang Thanh là tiền lương 50 triệu đồng/tháng, lót tay 1,4 tỷ/năm, trả trước 500 triệu đồng. Nhưng đến khi nhân viên của CLB đưa hợp đồng ra cho Quang Thanh ký, anh mới giật mình vì thấy con số hoàn toàn khác với lời hứa của bầu Đệ.
"Hợp đồng ghi lương của tôi chỉ có 40 triệu, và đưa trước 250 triệu. Tôi không đồng ý, muốn nhận đúng như giao kèo đã ký với bầu Đệ nên CLB Thanh Hóa chuẩn bị thêm tiền. Nhưng cuối cùng họ vẫn không thể giao đủ số tiền như bầu Đệ nói. Tôi thấy không ổn nên rút lui", Quang Thanh chia sẻ. Trên thực tế, anh chỉ dám nói ra điều này khi đã giải nghệ vì không muốn mang tiếng "lật kèo" bầu Đệ.
Từ chối CLB Thanh Hóa, Quang Thanh lại trở về Nam Bộ đầu quân cho CLB Long An. Nhưng ở một đội bóng với dàn cầu thủ quá yếu như Long An khi đó, Quang Thanh cùng các trụ cột như Tài Em, Chí Công phải liên tục "gánh" đội và lo trụ hạng. Anh kết thúc sự nghiệp theo cách không ai mong muốn, khi phải nhận án cấm thi đấu 2 năm sau sự cố thủ môn Minh Nhựt quay lưng bắt phạt đền trên sân Thống Nhất.
Tiếng xấu muôn đời của Công Vinh
Tương tự Quang Thanh, Công Vinh là một trong số rất ít các cầu thủ không vướng phải rắc rối nào về mặt pháp lý sau khi từ chối một đội bóng để chuyển sang khoác áo đội khác. Nhưng cũng giống như trường hợp của Tăng Tuấn rời HAGL, CV9 phải chịu tiếng xấu muôn đời vì "lật kèo" với bầu Hiển vào cuối năm 2011. Điểm đến của Công Vinh lúc ấy là CLB Hà Nội ACB của ông bầu Nguyễn Đức Kiên.
Ở thời điểm Công Vinh "quay xe" về với bầu Kiên, không ai biết điều gì đã xảy ra nơi hậu trường. Khi đó Hà Nội T&T (CLB Hà Nội ngày nay) đã là một thế lực của V.League với 1 chức vô địch quốc gia, còn Hà Nội ACB luôn nằm trong cảnh lên xuống hạng như cơm bữa. Mọi người đồn đoán Công Vinh bỏ bầu Hiển chỉ vì tiền. Anh bị gắn mác nhân vật phản diện trên truyền thông suốt một thời gian dài.
Đến Hà Nội ACB, Công Vinh cũng không thể thi đấu được lâu như mong muốn. Anh chỉ ở đây 1 năm thì CLB giải thể do bầu Kiên vướng vòng lao lý. Sau này CV9 còn gặp rắc rối với HLV Lê Thụy Hải trong thời gian khoác áo CLB Bình Dương. Anh giải nghệ sau trận bán kết lượt về AFF Cup 2016, khi đội tuyển Việt Nam bị Indonesia loại đầy cay đắng ngay trên sân Mỹ Đình.
Phải đến ngày giải nghệ, Công Vinh mới lên tiếng giải thích vì sao anh quyết định rời Hà Nội T&T để đầu quân cho Hà Nội ACB thời điểm ấy. "Bầu Hiển rất rộng rãi với tôi. Ông đề nghị mức lót tay 10 tỷ, lương 80 triệu/tháng, là mức đãi ngộ cao nhất với một cầu thủ Việt Nam khi đó. Nhưng bầu Hiển lại khuyên tôi đừng yêu Thủy Tiên, thế nên tôi đi tìm đội bóng mới. Tôi yêu Thủy Tiên mới quyết định như vậy", Công Vinh chia sẻ.
Hải Huy bất ngờ ‘quay xe’, đạt thỏa thuận với CLB Hải Phòng?
Tưởng như sẽ cập bến TPHCM, tiền vệ Hải Huy nhiều khả năng sẽ ở lại đất Bắc để đầu quân cho một đội bóng tại đây.
Hải Huy phải bồi thường 5 tỷ đồng cho CLB TPHCM nếu muốn đến Hải Phòng?
Thông tin mới nhất từ Xosokienthiet.cc cho thấy vụ tranh chấp giữa tiền vệ Nguyễn Hải Huy và CLB TPHCM vừa có diễn biến mới liên quan đến tiền bồi thường hợp đồng của cầu thủ này.
Những vụ lật kèo nổi tiếng của bóng đá Việt: Hải Huy là 'Công Vinh đệ nhị'?
Lịch sử bóng đá Việt Nam từng chứng kiến nhiều cầu thủ đã đạt được thỏa thuận gia nhập đội bóng này nhưng rồi lại chuyến đến thi đấu cho CLB khác.