Toàn cảnh vụ VĐV bóng bàn trẻ kêu đói: Mâm cơm 800 nghìn và ‘cái gai’ nhức nhối của thể thao Việt Nam
Vụ việc “ăn bớt” của HLV Bùi Xuân Hà đối với các VĐV tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận những ngày qua. Phẫn nộ, xót xa là cảm giác chung của nhiều người, nhất là sau khi có thông tin về việc các VĐV kêu “đói” dù đã đóng khoản tiền hơn 800.000đ cho một bữa ăn tối.
Ngày 2/10, mạng xã hội lan truyền hình ảnh được cho là một bữa cơm của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia tại Khu liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình. Mâm cơm dành cho 8 VĐV nhưng có thể thấy khẩu phần ăn khá ít, thực đơn cũng tương đối đơn giản với 5 món gồm: đậu rán, cá basa kho, nem rán, một đĩa củ quả luộc và một bát canh cà chua nổi váng mỡ dày đặc.
Hay hình ảnh khác được cho cũng là một bữa ăn của các VĐV tuyển trẻ bóng bàn có cùng công thức 2 món ăn mặn cùng rau, canh là: bò kho, khoai lang kén chiên, thịt xào sả ớt, rau cải luộc và một bát canh.
Những hình ảnh sau khi được chia sẻ rộng rãi lập tức nhận được những ý kiến, bình luận trái chiều. Chưa cần bàn về giá cả mà hãy bàn về chất lượng. Nhiều người cho rằng mâm cơm nhìn rất đạm bạc, kể cả so với bữa cơm gia đình thông thường ngày nay.
Đây cũng không phải lần đầu một đội thể thao cấp quốc gia không được chăm sóc tử tế về mặt dinh dưỡng. Còn nhớ hồi đầu năm nay, ĐT quần vợt Việt Nam đã phải lên mạng xã hội kêu ca về những thiệt thòi trong quá trình thi đấu giành vé dự Davis Cup - giải đấu tennis danh giá nhất thế giới dành cho các đội tuyển quốc gia.
Theo chia sẻ của tay vợt số 1 nước ta Lý Hoàng Nam, Liên đoàn quần vợt Việt Nam gần như không hỗ trợ gì đội xuyên suốt giải đấu kéo dài chưa đến 3 ngày. Các VĐV đã phải tự bỏ tiền túi mua cơm hộp để ăn trong toàn bộ thời gian thi đấu.
Ngoài vấn đề dinh dưỡng, ĐT quần vợt Việt Nam còn phải “tự túc” trong việc di chuyển đến sân đấu và về khách sạn. Ngoài ra, chất lượng khách sạn được bố trí cho cả đội chỉ ngang “nhà nghỉ”. Một đội tuyển đại diện quốc gia tham dự giải cấp quốc tế còn bị đối xử bất công như vậy, bảo sao các VĐV trẻ không được quan tâm, chăm sóc đúng mực.
Trong khi đó, VĐV quốc gia là những người cần nạp nhiều năng lượng và dinh dưỡng hơn người thường rất nhiều. Ấy vậy mà khẩu phần ăn của 8 tuyển thủ bóng bàn trẻ lại chỉ ngang với một bữa cơm gia đình dành cho 5 thành viên. Thật là hụt hẫng!
Điều khiến dư luận sửng sốt hơn là mức giá của các bữa ăn trong ảnh. Theo quy định của Nhà nước, các VĐV trẻ được hưởng chế độ ăn uống 320.000đ/ngày/người. Số tiền này được chia ra với mức 100.000đ/bữa sáng, 120.000đ/bữa trưa và 100.000đ/bữa tối. Vậy nên mâm cơm 8 người ăn như trong những bức hình được chia sẻ có tổng giá lên tới 800.000đ.
Phía dưới những hình ảnh, clip về mâm cơm của VĐV, cư dân mạng liên tục réo tên Tiktoker Lê Anh Nuôi (Lê Minh Tuyển, sinh năm 1992), chủ nhân của loạt "mâm cơm" 26.000đ từng gây bão. “Cuốn theo chiều gió”, anh Lê Anh Nuôi đã đăng tải clip vào bếp nấu mâm cơm 800.000đ cho 8 người ăn. Menu của chàng trai này thì nhiều gấp đôi mâm cơm của các em VĐV, nào là nguyên một con gà luộc, củ quả luộc, tôm cá chiên, bánh chưng...
Nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy bữa ăn dưới bàn tay nấu nướng của Lê Anh Nuôi chất lượng hơn rất nhiều so với những gì các VĐV trẻ nhận được. Trong quá trình thực hiện, Tiktoker nổi tiếng còn tiết lộ đầy đủ giá tiền để mọi người tham khảo.
Không chỉ 2 bữa ăn chính mà cả bữa sáng của tuyển trẻ bóng bàn quốc gia cũng có vấn đề. Các em có tận 100k để ăn sáng nhưng mỗi người chỉ được nhà bếp cấp 1 gói xôi gấc và 1 chai nước lọc, đôi khi “đổi món” thì có hộp sữa nhỏ. Vậy nên không có gì bất ngờ khi những tuyển thủ trẻ than phiền “thường xuyên bị đói, không đủ sức tập luyện”.
Theo ông Bùi Xuân Hà, HLV trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ, chế độ luyện tập của các tuyển thủ trẻ được chia làm 2 buổi mỗi ngày, tổng giờ tập là 6,5 tiếng. Nhưng vì ăn không đủ, một số VĐV không chịu nổi do mệt mỏi đã phải xin nghỉ tập.
Để có sức luyện tập, các em phải tự bỏ tiền ra ngoài mua đồ ăn về bổ sung năng lượng. “Nếu được ăn ở ngoài, cháu ăn bữa sáng có phở thêm quẩy hết 50.000đ. Bữa trưa ăn cơm sườn 60.000đ. Bữa tối ăn no cũng hết 70.000đ. Một ngày, cháu ăn hết 180.000đ là no rồi ạ”, một VĐV chia sẻ với phóng viên.
Ngoài ra, HLV Bùi Xuân Hà còn bị cho là có hành vi mờ ám khi thu tiền ngoài luồng của các học trò. Theo tìm hiểu, bên cạnh chế độ ăn 320.000đ/ngày, các tuyển thủ trẻ còn được hưởng chế độ tiền tập luyện 215.000đ/ngày. Tiền công tập luyện được nhân lên 26 ngày mỗi tháng, trong khi tiền ăn nhân lên 30 ngày. Tổng cộng, các VĐV được nhận khoảng 15 triệu đồng/tháng, gồm hơn 5 triệu đồng tiền tập và gần 10 triệu đồng tiền ăn.
Từ số tiền trên, mỗi tuyển thủ sẽ nộp từ 9 - 10 triệu đồng vào bếp ăn tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Số tiền còn lại, họ đều phải nộp cho ông Bùi Xuân Hà từ 1 - 5 triệu đồng. Điều lạ là mỗi người lại có mức nộp khác nhau. Có em phải nộp 1 triệu. nhưng cũng có em phải nộp tới 4 - 5 triệu đồng cho thầy. Việc thu tiền này không có trong quy chế, quy định.
Lý giải về điều này, ông Hà cho biết mình chỉ "giữ hộ" các em, cuối năm sẽ trả lại. Đây cũng là những khoản tiền dùng để chi cho đội tuyển đi ăn uống bên ngoài, đi xem phim, dã ngoại… Nhưng các VĐV khi trao đổi với phóng viên lại khẳng định, họ chưa từng được hưởng những đãi ngộ như vậy.
Con chịu đói luyện tập, cha mẹ ở nhà chỉ biết xót chứ không làm gì được. Một số phụ huynh thổ lộ họ biết con ăn uống không đủ no khi đang theo huấn luyện ở Hà Nội nhưng không dám nói vì sợ con mình bị trù dập. Những khoản tiền ăn thêm hằng tháng phải chuyển khoản cho thầy Bùi Xuân Hà cũng khiến họ đặt dấu hỏi lớn, nhưng không biết phải nói với ai.
Vụ việc vỡ lở, gây xôn xao dư luận buộc Cục TDTT phải có những động thái mạnh tay. HLV Bùi Xuân Hà và các trợ lý đã bị cho dừng công việc. Số tiền ông Hà “giữ hộ” những tuyển thủ cũng đã được trả về với chủ. Đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia thì được luân chuyển về ăn tập tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, mọi chuyện đâu thể chỉ được giải quyết một cách đơn giản như vậy. Môn bóng bàn đã vậy, liệu các môn khác có gặp tình trạng “đói ăn” tương tự hay không.
Nếu xảy ra "tham nhũng vặt" trong chuyện này, thì phải xử những người dám "ăn bớt" phần ăn của vận động viên. Ở đây không chỉ là hành vi đạo đức, mà làm ảnh hưởng đến chất lượng luyện tập, suy giảm khả năng phát huy tối đa năng lực của các tài năng thể thao trẻ.
VĐV không chỉ ăn đủ no mà phải ăn đúng, đủ dưỡng chất, theo tiêu chuẩn luyện tập thi đấu thể thao thành tích cao. Không chăm sóc VĐV ăn uống, nghỉ ngơi đúng chất lượng và khoa học, thì thể thao nước nhà chắc chắn không thể đạt được thành tích cao khi ra đấu trường quốc tế.
Diễn biến mới nhất vụ VĐV kêu đói: Cách chức 2 HLV ĐT bóng bàn trẻ Việt Nam
Cục Thể dục thể thao đã quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đối với 2 HLV liên quan đến vụ bữa ăn của VĐV đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam.
Từ chuyện của tuyển trẻ bóng bàn: VĐV, HLV được hưởng chế độ thế nào tại ĐTQG?
Cùng iXosokienthiet.cc tìm hiểu thông tin về chế độ ăn uống, tập luyện của vận động viên, huấn luyện viên trong thời gian tập trung đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia.
Vì sao phụ trách bộ môn bóng bàn của Cục TDTT từ chức?
Cục TDTT thông báo vào hôm qua, ông Phan Anh Tuấn, phụ trách môn bóng bàn (Cục TDTT) đã xin thôi nhiệm vụ.