Thành công và thất bại của nhập tịch cầu thủ nhìn từ Việt Nam, Singapore và Trung Quốc
Nếu không có gì thay đổi, đội tuyển Trung Quốc sẽ tiếp đón Việt Nam ở vòng loại World Cup đêm nay bằng một dàn 'ngoại binh' chất lượng. Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam cũng từng chứng kiến làn sóng nhập tịch và tạo điều kiện cho cầu thủ ngoại lên tuyển. Nhưng đó liệu có phải hướng làm lâu dài và luôn giữ được thành công?
Chủ Đề: ĐT Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022
Bài học Việt Nam
Quãng thời gian 2007-2012 chứng kiến làn sóng các ông bầu đổ tiền làm bóng đá ở V.League. Họ "chạy đua vũ trang" bằng việc chào mời nhiều tuyển thủ quốc gia bằng bản hợp đồng có trị giá lên đến hàng tỷ, thậm chí hơn 10 tỷ đồng. Song song với việc sắm hàng tuyển để nâng cấp đội hình, nhiều CLB lắm tiền nhiều của còn sắm sửa một món trang sức lấp lánh hơn. Đó chính là cầu thủ nhập tịch, mốt của các ông bầu V.League ngày nào.
Mang sức "tây" nhưng lại được thi đấu dưới dạng nội binh, cầu thủ nhập tịch khiến hàng loạt CLB lao vào vòng xoáy cạnh tranh đăng ký. Nếu liệt kê đầy đủ họ tên họ và tạo điều kiện đôn lên đội tuyển Việt Nam, họ có thể xếp thành 2 đội hình đối đầu nhau. Thể hình, thể chất vượt trội của những cầu thủ này giúp họ có ưu thế tuyệt đối trong những pha tranh chấp tay đôi.
Thủ môn Phan Văn Santos, Nguyễn Quốc Thiện Esele, trung vệ Hoàng Vissai, Lê Văn Phú, tiền vệ Phan Lê Isaac, Đoàn Văn Nirut, Đoàn Văn Sakda, tiền đạo Huỳnh Kesley, Hoàng Vũ Samson... đều là những gương mặt xuất sắc nhất V.League một thời. Nhưng nếu như các ông bầu muốn nhập tịch cho cầu thủ vì muốn giành chiến thắng, đâu là lý do khiến những ngoại binh sẵn sàng nhận tấm hộ chiếu Việt Nam?
Huỳnh Kesley Alves là một trong những cầu thủ hiếm hoi từng lên tiếng nói thật về lý do nhiều ngoại binh đồng ý nhập tịch. Nguyên nhân không nằm ở việc họ muốn được lên tuyển quốc gia, thi đấu trong màu cờ sắc áo Việt Nam hay "yêu Việt Nam" như họ thường nói. Kesley lấy vợ Việt Nam và vẫn sống ở dải đất hình chữ S đến tận bây giờ, nhưng anh không phủ nhận mình từng được trả rất nhiều tiền để thi đấu như một nội binh.
Đáng tiếc là không phải cầu thủ nhập tịch nào cũng nghiêm túc suy nghĩ đến chuyện định cư ở Việt Nam và cống hiến như Huỳnh Kesley. Họ chỉ coi tấm hộ chiếu Việt Nam như một công cụ kiếm tiền và "cúp đuôi" ngay sau khi không còn cơ hội nhận thu nhập cao nữa. Đó là câu chuyện của Đinh Hoàng La (Mykola), thủ môn gốc Ukraine từng được gọi lên ĐT Việt Nam. Ngay sau khi trở thành "nội binh", Đinh Hoàng La đòi rời Ninh Bình để gia nhập Bình Dương để hưởng lương cao hơn.
Đương nhiên CLB Ninh Bình của bầu Trường ngày ấy không đồng ý. Đôi bên kiện nhau ra tòa, và phía đội bóng không chối bỏ chuyện đưa cho Đinh Hoàng La 50.000 USD để anh này đồng ý nhận quốc tịch Việt Nam. Cuối cùng Đinh Hoàng La thua kiện. Anh vừa nhận 8 tỷ đồng lót tay từ Bình Dương đã phải đền 3 tỷ cho đội bóng cũ. Đồng đội một thời của thủ môn này ở Ninh Bình là Hoàng Vissai cũng không ít lần gây rối khiến bầu Trường ngán ngẩm.
Ít khi gây chuyện như Đinh Hoàng La hay Hoàng Vissai, nhưng Phan Văn Santos đã để lại câu chuyện tai tiếng nhất trong số những ngoại binh nhập tịch từng chơi bóng ở Việt Nam. Ở trận giao hữu giữa Việt Nam và U23 Brazil hồi 2008, Santos vô tư đưa tay lên ngực hát... quốc ca Brazil dù đang khoác áo cờ đỏ sao vàng. Đó cũng là khoảnh khắc chấm hết cho cơ hội lên tuyển của những cầu thủ nhập tịch, và trào lưu "cấp hộ chiếu Việt Nam cho Tây" cũng dần biến mất.
Câu chuyện Trung Quốc
Sau phát pháo đầu tiên mang tên Elkeson, đội tuyển Trung Quốc chứng kiến hàng loạt cầu thủ nhập tịch ở giải Super League. Cho đến thời điểm này, họ đã có tròn 1 đội hình gồm các "ông Tây" mang tên Trung Quốc, với 10 người trong số đó đủ khả năng khoác áo cho đội tuyển quốc gia. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tung ra 4 ngoại binh đối đầu đội tuyển Việt Nam. Vậy đâu là lý do đất nước 1,3 tỷ dân hào hứng với việc nhập tịch cầu thủ đến thế?
Cho đến trước năm 2019, mọi nỗ lực nhập tịch cầu thủ ngoại của bóng đá Trung Quốc đều bị đập tan từ trứng nước. Mọi thứ dường như chỉ thay đổi khi HLV Marcello Lippi bắt đầu thúc giục các quan chức bóng đá nước này trước áp lực giành vé dự vòng chung kết World Cup. Ông chỉ rõ nhược điểm của bóng đá Trung Quốc là không có tiền đạo, vậy nên họ cần nhập tịch một vài chân sút chất lượng. Điều đó đã tạo điều kiện cho Eleson, Aloisio và Alan lên tuyển.
Vậy đội tuyển Trung Quốc có mạnh hơn với những cầu thủ gốc Brazil và Anh quốc trong đội hình hay không? Câu trả lời có vẻ là không. Ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, "gã đầu bạc" Lippi đã 2 lần phẫn chí tuyên bố từ chức vì biết mình không thể hoàn thành nhiệm vụ giành vé dự Cúp Thế giới. Nguyên nhân khiến bóng đá Trung Quốc không thể vươn tầm quốc tế như thế hệ Li Tie, Sun Jihai thuở nào hóa ra lại nằm ở chính các nội binh.
"Tôi không thể dẫn dắt một đội tuyển mà các cầu thủ không làm theo lời chỉ đạo của HLV trưởng", Lippi gay gắt nói trong phòng họp báo sau trận thua Syria ở vòng loại World Cup. Một cơn sóng ngầm đã nổi lên ở đội tuyển Trung Quốc hòng lật ghế Lippi với những trận hòa và thua rất khó hiểu. Tháng 3/2019, họ để thua Thái Lan, đến tháng 10 thì bị Philippines cầm hòa. Trận thua Syria chỉ là giọt nước tràn ly, và 1-2 cầu thủ nhập tịch như Elkeson không thể cứu Lippi.
Câu chuyện nhập tịch của bóng đá Trung Quốc khá giống với thực tại của Philippines, Indonesia và Malaysia. 3 đội tuyển Đông Nam Á này vẫn đang gồng mình với nỗ lực nhập tịch các cầu thủ ngoại nhằm cải thiện thành tích. Đáng buồn là họ càng tạo điều kiện cho nhiều "ông Tây" lên tuyển bao nhiêu thì kết quả lại bẽ bàng bấy nhiêu. Mới đây, Malaysia còn thua đậm Jordan với tỷ số 0-4. Philippines, Indonesia cũng chưa bao giờ lên ngôi vương Đông Nam Á với những cầu thủ nhập tịch.
Trường hợp hiếm hoi thành công với những "ông Tây" ở bóng đá khối ASEAN chính là Singapore. 3/4 chức vô địch AFF Cup họ giành được mang đậm dấu ấn của những cầu thủ nhập tịch như Aleksandar Duric, Daniel Bennett và Agu Casmir. Nhưng khi thế hệ những ngoại binh này bước qua thời kỳ đỉnh cao, bóng đá Singapore cũng nhanh chóng lụi tàn. Bây giờ họ được xếp vào nhóm đội có thực lực yếu ở khu vực Đông Nam Á, hoàn toàn khác với mạch ổn định như Thái Lan hay Việt Nam đang thể hiện.
Quãng thời gian 3 năm vừa qua chứng kiến một trang sử vàng của bóng đá Việt Nam, khi chúng ta bứt lên khỏi vùng trũng Đông Nam Á để tiệm cận với những đối thủ hàng đầu châu lục. Thái Lan có thể thua kém chúng ta ở mặt thành tích thi đấu, nhưng lại ghi dấu ấn bằng việc xuất hẩu hàng loạt cầu thủ đến những giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đội tuyển Trung Quốc có thể thắng Việt Nam ở vòng loại World Cup sắp tới, nhưng đó không phải chỉ dấu cho thấy sự tiến bộ và đẳng cấp. Việc nhập tịch và tăng cường chiều sâu đội hình bằng những cầu thủ ngoại có thể giúp một nền bóng đá thành công trong ngắn hạn chứ không phải hướng đi lâu dài. Suy cho cùng, tất cả đều phải tìm kiếm vinh quang từ chính sức mạnh nội tại, với những cầu thủ tự có trong tay khi những "ông Tây" không còn mặn mà với mảnh đất châu Á nữa.
HLV Li Tie nói về bóng đá Trung Quốc, Wayne Rooney và David Moyes
Li Tie (Lí Thiết), HLV trưởng đội tuyển Trung Quốc là một trong những cầu thủ xuất chúng nhất mà bóng đá xứ đại lục từng sản sinh. 6 năm chơi bóng tại Anh giúp Li Tie có một cái nhìn độc nhất về giải Ngoại hạng, nơi David Moyes coi ông như một cậu học trò cưng.
U22 Việt Nam loại 5 cầu thủ trước ngày lên đường sang UAE
Ban huấn luyện U22 Việt Nam mới đây đã gạch tên 5 cầu thủ trước khi lên đường sang UAE tập huấn chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2022.
Chuyên gia: ĐT Việt Nam cần khai thác vào điểm yếu của hai hậu vệ Trung Quốc
Chuyên gia Đoàn Minh Xương đã chỉ rõ với Xosokienthiet.cc những điểm yếu và mạnh của ĐT Trung Quốc, từ đó NHM có thể nhìn nhận phương án mà ĐT Việt Nam có thể áp dụng ở trận đấu tới.
Công Phượng giống Ronaldo, chỉ nên dùng trước các đối thủ yếu?
Nguyễn Công Phượng đang có nhiều điểm giống với Cristiano Ronaldo ở thời điểm hiện tại. Cả hai đều mắn bàn thắng, nhưng không đóng góp quá nhiều vào chiến thuật chung của toàn đội. Vì vậy, họ nên được ưu tiên sử dụng trước các đối thủ yếu, hoặc ít nhất là ngang tầm với đội bóng.