Chuyên môn của 'thần y' Choi là gì?
Trong bài phỏng vấn với DongA cách đây 2 năm, bác sĩ Choi Ju Young tiết lộ ông không chỉ hỗ trợ vật lý trị liệu mà còn đảm bảo sức khỏe tinh thần cho các cầu thủ.
Bác sĩ Choi, cựu Trưởng đoàn Y tế của Hiệp hội Bóng đá Hàn Quốc (KFA), đã chăm sóc và điều trị chấn thương cho hàng loạt huyền thoại xứ sở kim chi trong gần 20 năm, ở thời kỳ bóng đá nước này có những bước nhảy vọt để vươn tầm châu lục.
Ông bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp khi cùng HLV Park Hang Seo sang Việt Nam và gắn bó đến ngày hôm nay. Cả hai từng góp mặt trong đội ngũ trợ lý của HLV Guus Huddink tại VCK World Cup 2002, nơi Hàn Quốc tạo nên kỳ tích với tấm vé vào bán kết.
Sau 10 năm làm việc cho Hiệp hội Bóng chuyền Qatar từ năm 1982, bác sĩ Choi về nước và bắt đầu làm việc cho KFA theo lời giới thiệu của một người thầy. Ông thừa nhận bản thân khi đó không có chút chuyên môn gì về bóng đá. "Lúc đầu, tôi đã nộp đơn xin việc vào đội bóng chày chuyên nghiệp Huyndai và được nhận. Khi đó, tôi gần như chưa tiếp xúc với bóng đá bao giờ", bác sĩ Choi tiết lộ với DongA.
Ông nói thêm: "Khi mới bắt đầu làm việc tại đội tuyển Hàn Quốc, tôi chỉ nghĩ đến vật lý trị liệu. Sau đó, khi tiếp xúc nhiều hơn với các cầu thủ và cảm nhận họ, tôi mới thấy việc phục hồi chức năng còn mang nhiều ý nghĩa hơn. Quan trọng là phải làm sao để các cầu thủ không cảm thấy lo lắng nếu như gặp chấn thương sau này. Điều đó trở thành tôn chỉ nghề nghiệp của Choi Ju Young".
Niềm tin của các cầu thủ trở thành nền tảng trong quá trình trị liệu chấn thương của bác sĩ Choi. Ông cùng các đồng sự luôn xem xét kỹ để biết cầu thủ không thoải mái ở đâu, cảm thấy lo lắng về bộ phận nào trên cơ thể và thậm chí kiểm tra cả tình trạng mặt cỏ thi đấu.
Với mỗi động tác xoạc bóng, bác sĩ Choi đều cẩn thận ghi lại tư thế và góc độ của cẳng chân hay bàn chân để có những điều chỉnh phù hợp. Với những cầu thủ cảm thấy kiệt sức vì lịch thi đấu dày đặc hay lo lắng về khả năng cạnh tranh suất đá chính, phòng điều trị chấn thương được coi như nơi để tán gẫu và xả stress.
Bác sĩ Choi chia sẻ: "Tôi luôn nói với các cầu thủ rằng họ cứ thoải mái chia sẻ với tôi tất cả mọi thứ. Tất nhiên, tôi cũng biết những điều đó qua các thông tin được ghi chép và tích lũy lại. Bạn có thể biết được tình trạng của cầu thủ thông qua cử chỉ khuôn mặt và lời nói của họ. Với tư cách cầu nối giữa HLV trưởng và các cầu thủ, tôi nhận ra sự thấu hiểu về mặt tâm lý cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong y học thể thao".
Khi được hỏi liệu bác sĩ Choi có bao giờ bị bệnh, ốm nặng đến mức không thể chăm sóc các cầu thủ hay quá tải khi phải theo dõi tình trạng của nhiều người cùng lúc trong suốt 24h/ngày, ông đã tiết lộ sự cố hi hữu khi còn làm việc tại tuyển Hàn Quốc.
Cụ thể, trong chuyến tập huấn đến UAE để chuẩn bị cho VCK World Cup 2010 diễn ra ở Nam Phi, bác sĩ Choi bị sỏi thận và đau đến mức không thể đứng vững. Ông cố gắng chăm sóc cho các cầu thủ, hướng dẫn họ cách đảm bảo an toàn trong bài tập phát bóng và vào nhà vệ sinh để một mình chịu đựng cơn đau.
"Tôi không thể chịu đựng được nên đã túm lấy HLV Kim Huyn Tae và yêu cầu ông ấy gọi xe cấp cứu. HLV Kim nói tôi phải đợi một ngày mới có thể đến phòng cấp cứu bởi hôm đó đang là ngày nghỉ lễ. Tôi không còn cách nào khác ngoài việc uống 2 lon bia trong bữa tối hôm đó và cố gắng đi tiểu. Đó là lúc tôi nhận ra bạn không nên quá tự tin vào cơ thể mình. Cũng chính khoảnh khắc ấy thúc đẩy tôi trở thành người chăm sóc mọi mặt cho các cầu thủ, từ trong ra ngoài", bác sĩ Choi khẳng định.
Cựu bác sĩ ĐT Việt Nam: Cầu thủ chấn thương có thể tái phát bất cứ lúc nào, Đình Trọng cũng thế
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, người từng có nhiều năm gắn bó với ĐT Việt Nam đã chia sẻ với Xosokienthiet.cc về vấn đề tái phát chấn thương của một số tuyển thủ quốc gia, trong đó có trung vệ Trần Đình Trọng.
HLV Park Hang Seo: Chấn thương của Tuấn Anh không có gì đáng lo
Chiến lược gia người Hàn Quốc khẳng định Nguyễn Tuấn Anh sẽ không gia nhập danh sách bệnh binh của tuyển Việt Nam sau trận đấu với Australia tối 7/9.
Từ chấn thương của Son: Cái giá phải trả khi Tiến Dũng, Thành Chung chịu đau đá sớm là gì?
Cùng gặp một loại chấn thương và đều là trụ cột của ĐTQG, nhưng Son Heung Min và Bùi Tiến Dũng được chăm sóc theo những cách khác nhau, phản ánh sự khác biệt trong tư tưởng của một nền bóng đá.