Boxer Lê Hữu Toàn, chiếc xe máy đi 10 năm và nỗ lực hướng đến ước mơ
Sau 15 năm đến với võ thuật, cũng như 4 năm thử sức mình với boxing, Lê Hữu Toàn lần đầu đứng trước cơ hội tranh một đai vô địch ở cấp độ quyền Anh nhà nghề. Ẩn sau thân hình nhỏ bé đó là một võ sĩ luôn bình tĩnh vượt qua mọi nghịch cảnh.
- Toàn đã bắt đầu đến với võ thuật như thế nào?
Lê Hữu Toàn: Tôi bắt đầu tập võ từ năm 2007, khi còn là học sinh cấp 2 ở quê nhà Đắk Lắk. Tôi còn nhớ khi ấy, thầy dạy Vovinam của tôi đi từ Thành phố Buôn Ma Thuột đi gần 20km đến nơi tôi ở để dạy võ. Nhà tôi vốn là nơi khá vắng vẻ, cách xa thành phố nên việc đi lại cũng khá vất vả.
Khi tập võ, tôi cảm thấy mình tự tin hơn, nỗi sợ với những thứ xung quanh vì thế cũng giảm bớt đi. Tôi nghĩ khi tập võ, tôi không còn cảm thấy sợ hãi những kẻ cao lớn bắt nạt mình ngoài kia nữa.Lúc ấy, mọi người thấy có người đi từ xa đến đây dạy võ nên ai cũng thích. Gia đình tôi liền đăng ký cho tôi đi học võ, và tôi cũng thấy thích vì được vận động, lại được học cách tự bảo vệ bản thân.
- Từ Vovinam, đâu là lý do khiến Toàn bén duyên với nghiệp boxing?
Năm 2012, tôi bắt đầu xuống TP Hồ Chí Minh học tập và làm việc. Song song với công việc thường ngày, tôi đến tập luyện tại bộ môn Vovinam quận Tân Bình. Đó là lúc tôi được các thầy quan tâm, chú ý vì có khả năng thi đấu các nội dung đối kháng. Từ đó, tôi được tạo điều kiện phát triển đấu đối kháng trong môn Vovinam.
Tôi thích đi giao lưu với các CLB võ thuật trong phạm vi TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tôi cũng xin phép các thầy cho phép mình được thử lửa ở các bộ môn khác như kickboxing, tán thủ và boxing. Trong khoảng thời gian đi giao lưu võ thuật và thi đấu như thế, tôi dần nhận ra mình hợp với phong cách thi đấu của môn boxing nhất.
- Con đường từ boxing nghiệp dư đến với trận tranh đai boxing chuyên nghiệp của Toàn diễn ra khá nhanh, chỉ trong 3-4 năm...
Đến năm 2019, tôi gia nhập SSC và tham gia tập luyện boxing chuyên nghiệp nhưng trước đó đã có trải nghiệm ở môn võ này rồi. Đó là năm 2018, thời điểm tôi tham dự giải vô địch boxing toàn TP Hồ Chí Minh. Lúc đó tôi mới từ bộ môn khác sang nên chỉ biết thi đấu hết mình, nhưng cũng bị hạn chế nhiều ở cách di chuyển.
Giải năm đó tôi giành được HCĐ. Kết thúc giải, tôi có đi giao lưu với các CLB khác nhau ở khắp thành phố. SSC thời điểm ấy hay tổ chức các sự kiện đấu tập, giao lưu với các CLB khác vào thứ Bảy hàng tuần. Tôi thích đi giao lưu, đấu tập nên thường xuyên tới đây, qua đó có cơ hội gặp mặt với thành viên các CLB võ thuật khác.
Từ những trận đấu tập, giao lưu như thế, HLV thấy tôi có khả năng thi đấu nên khuyến khích tôi đăng ký tham gia những giải đấu nội bộ của CLB. Kỹ thuật của tôi lúc đó vẫn chưa thuần boxing lắm vì từ bộ môn khác chuyển sang. Mọi người nói lối đánh của tôi hơi hoang dã, nhưng tinh thần thi đấu đã trở thành yếu tố giúp tôi ghi điểm trong mắt các HLV.
Kinh nghiệm thi đấu và kỹ thuật của tôi dần tốt hơn qua từng trận đấu. Đến năm 2019, tôi có lần đầu tham gia một sự kiện boxing chuyên nghiệp tại SSC. Kết thúc giải, tôi có xin phép gia nhập SSC để tập luyện, thi đấu và được HLV, cũng như CLB chấp thuận.
- Ngoài tập luyện boxing, Toàn còn kiếm sống bằng những nghề nào khác nữa?
Lúc mới gia nhập SSC, tôi có đi dạy Vovinam tại quận Tân Bình. Công việc mưu sinh khiến tôi chỉ có thể tập boxing vào buổi sáng hàng tuần. Tôi có nói với HLV Dodong về chuyện công việc của mình, và HLV nói trong môi trường chuyên nghiệp, tôi cần tập 2 buổi mỗi ngày. Nghe theo lời HLV, tôi bắt đầu sắp xếp công việc sao cho phù hợp hơn.
Hồi ấy, cứ mỗi ngày là tôi tập 2 buổi boxing tại SSC, sau đó đến tối lại đi về quận Tân Bình dạy Vovinam. Còn trước đây tôi từng làm việc ở một công ty in, và một công ty bảo hiểm nữa. Thu nhập hồi đó không tốt như bây giờ. Rất may là ở thời điểm hiện tại, tôi có thể chuyên tâm cho việc tập luyện boxing mà không phải nghĩ quá nhiều đến những công việc khác nữa.
- Nghe nói là ngay cả khi đã trở thành nhà vô địch boxing quốc gia ở hạng cân của mình, Toàn vẫn đi chiếc xe máy đã gắn bó cùng mình 10 năm qua?
Chuyện này liên quan đến gia đình của tôi. Nhà tôi là một gia đình thuần nông ở Đắk Lắk nên điều kiện kinh tế cũng không được tốt lắm. Tôi vừa đi làm, vừa trang trải cuộc sống và phụ giúp cho gia đình nên chi tiêu hạn hẹp hơn những người bình thường khác. Tôi phải bớt quan tâm cho bản thân để chia sẻ cùng gia đình.
- Toàn biết mình có cơ hội tranh đai vô địch từ bao giờ?
Trước Tết Nguyên đán, HLV có gọi tôi ra nói chuyện riêng và bảo tôi có thể được tranh đai. Tôi nghe qua cũng không chắc chắn về cơ hội đó, bởi thời gian thi đấu, tập luyện chuyên nghiệp cũng không quá dài. Nhưng sau Tết, HLV và công ty có thông báo chính thức thì tôi mới biết mình chắc chắn có một trận đấu tranh đai.
Thú thực, lúc mới biết tin mình tranh đai WBA Asia thì tôi cảm thấy khá bất ngờ và lo lắng. Mọi người đặt niềm tin và kỳ vọng vào tôi quá nhiều. Thực sự tôi chỉ biết tập luyện thật nhiều để tạm quên đi những áp lực đè nặng lên mình thời gian qua. May là tôi không bị mất ngủ, bởi việc tập luyện tốn khá nhiều sức nên về nhà là tôi có thể ngủ ngon (cười).
Đấu tranh đai vô địch rất khác những trận đấu thông thường. Trước giờ tôi chỉ đánh đến 6 hiệp là cùng thôi, nhưng trận tranh đai này sẽ diễn ra trong 12 hiệp. Đó là thử thách đối với tôi, bởi đấu một trận 12 hiệp sẽ rất khác đấu 6 hiệp. Tôi phải chú tâm từ chuyện ăn uống đến tập luyện, dinh dưỡng... để có thể đủ thể lực thi đấu trong 12 hiệp.
Áp lực và khối lượng tập luyện ở trận tranh đai khiến tôi cảm thấy khá căng thẳng. Tôi có chia sẻ chuyện này với HLV và quản lý của mình, bởi đây là thử thách với cá nhân tôi. Sau khi nghe tôi giãi bày, HLV nói ông tin tưởng vào tôi, nói tôi có thể chiến thắng. Việc đó giúp tôi tập trung hơn vào việc tập luyện, qua đó hướng đến mục tiêu trước mắt.
Kết thúc trận tranh đai WBA Asia, tôi có một giải đấu lớn trước mắt là Giải Vô địch Boxing các đội mạnh toàn quốc 2022. Tôi sẽ cố gắng tập luyện, thi đấu ở giải đó thật tốt, rồi đề ra kế hoạch cho những trận đấu sắp tới.
- Toàn muốn dành lời khuyên gì cho những bạn trẻ muốn thử sức mình với boxing?
Hãy cứ thử đi, hãy cứ thử thách bản thân mình. Chúng ta có thể không đạt được thành công như mong đợi, nhưng trong quá trình làm việc, chúng ta có thể hoàn thiện dần bản thân. Kết quả cuối cùng đôi khi không thực sự quan trọng bằng quá trình chúng ta dành ra cho nó.
- Cảm ơn Toàn! Chúc Toàn tiếp tục tập luyện và thi đấu thành công trong thời gian tới!
Trần Văn Thảo trở lại sàn đấu vào ngày 19/12, đối đầu nhà vô địch WBA Thái Lan
Nhà vô địch WBC Châu Á Trần Văn Thảo đã chính thức công bố ngày trở lại sàn đấu và đối thủ mới cho trận Quyền Anh nhà nghề sắp tới.
Amir Khan kiếm tiền thế nào từ boxing sau khi giải nghệ?
Ngay sau trận thua Kell Brook, Amir Khan đã úp mở về ý định giải nghệ. Trên thực tế, tay đấm người Anh gốc Pakistan vẫn có thể kiếm được rất nhiều tiền từ boxing trong thời gian tới.
Thu Nhi: Tôi là VĐV boxing tuyển Việt Nam và vẫn đang tập luyện, cống hiến hết mình
Trước thông tin bị CLB chủ quản Cocky Buffalo cáo buộc vi phạm hợp đồng, nữ võ sĩ boxing Nguyễn Thị Thu Nhi đã lên tiếng chính thức trên mạng xã hội.
Giải boxing trẻ toàn quốc 2022 tổ chức trong tháng 7
Trang chủ Liên đoàn quyền Anh Việt Nam (VBF) đã thông báo về lịch thi đấu giải boxing trẻ toàn quốc 2022. Theo đó, giải sẽ tổ chức trong tháng 7 tại tỉnh Đắk Lắk.
'Thu Nhi vẫn sẽ bảo vệ đai vô địch boxing WBO và thi đấu SEA Games 31'
Trao đổi với Xosokienthiet.cc, ông Vũ Đức Thịnh, trưởng bộ môn Boxing - Kickboxing thuộc Tổng cục Thể dục thể thao cho biết đã nắm bắt được vấn đề khúc mắc giữa võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi và CLB Cocky Buffalo. Đôi bên sẽ bàn bạc để tìm ra phương án tốt nhất cho nhà vô địch WBO.
Trận tranh đai boxing WBA Asia của Lê Hữu Toàn dời sang ngày 20/3
Theo thông tin Xosokienthiet.cc nhận được, trận tranh đai vô địch boxing WBA Asia giữa 2 võ sĩ Lê Hữu Toàn và Kitidech Hirunsuk sẽ diễn ra vào ngày 20/3 thay vì 12/3.